Nam Cao
Chí Phèo
Hắn
vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu
chửi trời, có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế
cũng chẳng sao: Đời là tất cả nhưng cũng chẳng là ai. Tức mình hắn chửi
ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: “Chắc nó trừ
mình ra!”. Không ai lên tiếng cả. Tức thật! Ồ thế này thì tức thật! Tức
chết đi được mất! Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với
hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp! Thế thì có phí rượu không?
Thế thì có khổ hắn không? Không biết đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn cho
hắn khổ đến nông nỗi này! A ha! Phải đấy hắn cứ thế mà chửi, hắn chửi
đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo? Mà có trời
biết! Hắn không biết, cả làng Vũ Đại cũng không ai biết.
*
* *
Một
anh đi thả ống lươn, một buổi sáng tinh sương đã thấy hắn trần truồng
và xám ngắt trong cái váy đụp để bên một lò gạch bỏ không, anh ta rước
lấy và đem cho một người đàn bà góa mù. Người đàn bà góa mù này bán hắn
cho một bác phó cối không con và khi bác phó cối này chết thì hắn bơ vơ,
hết đi ở cho nhà này lại đi ở cho nhà nọ. Năm hai mươi tuổi, hắn làm
canh điền cho ông lý Kiến, bây giờ cụ bá Kiến, ăn tiên chỉ làng. Hình
như, có mấy lần bà ba nhà ông lý, trẻ lắm mà lại hay ốm lửng, bắt hắn
bóp chân, hay xoa bụng, đấm lưng gì đấy. Người ta bảo ông lý ra đình thì
hách dịch, cả làng phải sợ, mà về nhà phải sợ cái bà ba còn trẻ này.
Người bà ấy phốp pháp, má bà ấy hây hây, mà ông lý thì hay đau lưng lắm;
người có bệnh đau lưng thì hay sợ vợ mà chúa đời là khoẻ ghen. Có người
bảo ông lý ghen anh canh điền khoẻ mạnh mà sợ bà ba không dám nói. Có
người thì bảo anh canh điền ấy được bà ba quyền thu quyền bổ trong nhà
tin cẩn nên lấy trộm tiền trộm thóc nhiều. Mỗi người nói một cách. Chẳng
biết đâu mà lần. Chỉ biết một hôm Chí bị giải huyện rồi nghe đâu phải
đi tù. Không biết tù mấy năm, nhưng hắn đi biệt tăm bảy, tám năm, rồi
một hôm, hắn lại lù lù ở đâu lần về. Hắn về lần này trông khác hẳn, mới
đầu chẳng ai biết hắn là ai. Trông đặc như thằng sắng cá! Cái đầu thì
trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai
mắt gườm gườm trông gớm chết! Hắn mặc quần áo nái đen với cái áo tây
vàng. Cái ngực phanh đầy những nét chạm trổ rồng, phượng với một ông
tướng cầm chùy, cả hai cánh tay cũng thế. Trông gớm chết!
Hắn
về hôm trước, hôm sau đã thấy ngồi ở chợ uống rượu với thịt chó suốt từ
trưa đến xế chiều. Rồi say khướt, hắn xách một cái vỏ chai đến cổng nhà
bá Kiến, gọi tận tên tục ra mà chửi. Cụ bá không có nhà. Thấy điệu bộ
hung hăng của hắn, bà cả đùn bà hai, bà hai thúc bà ba, bà ba gọi bà tư,
nhưng kết cục chẳng bà nào dám ra nói với hắn một vài lời phải chăng.
Mắc cái phải cái thằng liều lĩnh quá, nó lại say rượu, tay nó lại lăm
lăm cầm một cái vỏ chai, mà nhà lúc ấy toàn đàn bà cả... Thôi thì cứ
đóng cái cổng cho thật chặt, rồi mặc thây cha nó, nó chửi thì tai liền
miệng đấy, chửi thì lại nghe! Thành thử chỉ có ba con chó dữ với một
thằng say rượu!... Thật là ầm ỹ! Hàng xóm phải một bữa điếc tai, nhưng
có lẽ trong bụng thì họ hả: xưa nay họ mới chỉ được nghe bà cả, bà hai,
bà ba, bà tư nhà cụ bá chửi người ta, bây giờ họ mới thấy người ta chửi
lại cả nhà cụ bá. Mà chửi mới sướng miệng làm sao! Mới ngoa ngắt làm
sao. Họ bảo nhau: Phen này cha con thằng bá Kiến đố còn dám vác mặt đi
đâu nữa! Mồ mả tổ tiên đến lộn lên mất. Cũng có người hiền lành hơn bảo:
“Phúc đời nhà nó, chắc ông lý không có nhà...”. Ông lý đây là ông lý
Cường, con giai cụ Bá nổi tiếng là hách dịch, coi người như rơm rác.
Phải ông lý Cường thử có nhà xem nào! Quả nhiên họ nói có sai đâu! Đấy,
có tiếng người sang sảng quát: “Mày muốn lôi thôi gì?... Cái thằng không
cha không mẹ này! Mày muốn lôi thôi gì?...” Đã bảo mà! Cái tiếng quát
tháo kia là tiếng lý Cường. Lý Cường đã về! Lý Cường đã về! Phải biết...
A ha! Một cái tát rất kêu. Ôi! Cái gì thế này? Tiếng đấm tiếng đá nhau
bình bịch. Thôi, cứ gọi là tan xương! Bỗng “choang” một cái, thôi phải
rồi, hẳn đập cái chai vào cột cổng... ồ hắn kêu! Hắn vừa chửi vừa kêu
làng như bị người ta cắt họng. Ồ hắn kêu!
-
Ối làng nước ơi! Cứu tôi với... Ối làng nước ôi! Bố con thằng bá Kiến
nó đâm chết tôi! Thằng lý Cường nó đâm chết tôi rồi, làng nước ôi!...
Và
họ thấy Chí Phèo lăn lộn dưới đất, vừa kêu vừa lấy mảnh chai cào vào
mặt. Máu ra loe loét trông gớm quá! Mấy con chó xông vào quanh hắn, sủa
rất hăng. Lý Cường hơi tái mặt, đứng nhìn mà cười nhạt, cười khinh bỉ.
Hừ! Ngỡ là gì, chẳng hoá ra nằm ăn vạ! Thì ra hắn định đến đây nằm vạ!
Người
ta tuôn đến xem. Mấy cái ngõ tối xung quanh đùn ra biết bao nhiêu là
người! Thật ồn ào như chợ. Bà cả, bà hai, bà ba, bà tư nhà cụ bá cũng
vững dạ vì có anh lý, cũng xưng xỉa ra chửi góp. Thật ra, các bà muốn
xem Chí Phèo ra làm sao? Không khéo nó có ý gieo vạ cho cụ ông phen
này...
Nhưng
kìa cụ ông đã về. Cụ cất tiếng rất sang hỏi: “Cái gì mà đông như thế
này?”. Chỗ này “lạy cụ”, chỗ kia “lạy cụ”, người ta kính cẩn giãn ra, và
Chí Phèo bỗng nằm dài, không nhúc nhích rên khe khẽ như gần chết.
Thoáng
nhìn qua, đã hiểu cơ sự rồi. Làm lý trưởng rồi chánh tổng, bây giờ lại
đến lượt con cụ làm lý trưởng, những việc như thế này cụ không lạ gì. Cụ
hãy quát mấy bà vợ đang xưng xỉa chực tâng công với chồng:
- Các bà đi vào nhà: đàn bà chỉ lôi thôi, biết gì?
Rồi quay lại bọn người làng, cụ dịu giọng hơn một chút:
- Cả các ông, các bà nữa, về đi thôi chứ! Có gì mà xúm lại như thế này?
Không
ai nói gì, người ta dần dần tản đi. Vì nể cụ bá cũng có, nhưng vì nghĩ
đến sự yên ổn của mình cũng có: người nhà quê vốn ghét lôi thôi. Ai dại
gì đứng ỳ ra đấy, có làm sao họ triệu mình đi làm chứng. Sau còn trơ lại
Chí Phèo và cha con cụ bá. Bây giờ cụ mới lại gần hắn, khẽ lay và gọi:
- Anh Chí ơi! Sao anh lại làm ra thế ?
Chí Phèo lim dim mắt, rên lên:
- Tao chỉ liều chết với bố con nhà mầy đấy thôi. Nhưng tao mà chết thì có thằng sạt nghiệp, mà còn rũ tù chưa biết chừng.
Cụ bá cười nhạt, nhưng tiếng cười giòn giã lắm: người ta bảo cụ hơn người cũng chỉ bởi cái cười.
- Cái anh này nói mới hay! Ai làm gì mà anh phải chết? Đời người chứ có phải con ngoé đâu? Lại say rồi phải không?
Rồi đổi giọng, cụ thân mật hỏi:
- Về bao giờ thế? Sao không vào tôi chơi? Đi vào nhà uống nước.
Thấy Chí Phèo không nhúc nhích, cụ tiếp luôn:
-
Nào đứng lên đi. Cứ vào đây uống nước đã. Có cái gì ta nói chuyện tử tế
với nhau, cần gì mà phải làm thanh động lên như thế, người ngoài biết,
mang tiếng cả.
Rồi vừa xốc Chí Phèo, cụ vừa phàn nàn:
-
Khổ quá! Giá có tôi ở nhà thì đâu đến nỗi. Ta nói chuyện với nhau, thế
nào cũng xong. Người lớn cả, chỉ một câu chuyện với nhau là đủ. Chỉ tại
thằng lý Cường nóng tính không biết nghĩ trước nghĩ sau. Ai, chứ anh với
nó còn có họ kia đấy.
Chí
Phèo chẳng biết họ hàng ra làm sao, nhưng cũng thấy lòng nguôi nguôi.
Hắn cố làm ra vẻ nặng nề, ngồi lên. Cụ bá biết rằng mình đã thắng, đưa
mắt nháy con một cái, cụ quát:
- Lý Cường đâu! Tội mày đáng chết. Không bảo người ta đun nước, mau lên!
Cụ
dắt Chí Phèo đứng dậy, giục thêm vài tiếng nữa, và Chí Phèo chịu đi:
hắn chỉ cố khập khiễng cái chân như bị què. Là vì lúc ấy trong người hắn
rượu đã hơi nhạt rồi, không còn kêu gào chửi bới, hắn thấy hình như
không còn hăng hái nữa. Sự ngọt ngào làm mềm nhũn, vả lại những người
đứng xem về cả rồi, hắn thấy hình như trơ trọi. Cái sợ cố hữu trong lòng
thức dậy, cái sợ xa xôi thuở ngày xưa, hắn thấy quả là táo bạo. Không
táo bạo mà dám gây sự với cha con bá Kiến, bốn đời làm tổng lý. Và nghĩ
thế, hắn thấy hắn cũng oai. Hắn làm cái ông gì ở làng này? Không vây
cánh, không họ hàng thân thích; anh em không có, đến bố mẹ cũng không...
Ờ thế mà cũng dám độc lực chọi nhau với lý trưởng, chánh tổng, bá hộ
tiên chỉ làng Vũ Đại, Chánh Hội đồng kỳ hào, huyện hào, Bắc kỳ nhân dân
đại biểu, khét tiếng đến cả trong hàng huyện. Thử hỏi đã có mặt nào
trong cái làng hơn hai nghìn suất đinh này làm được thế? Kể làm rồi có
chết cũng là cam tâm. Vậy mà không: cái cụ bá thét ra lửa ấy lại xử
nhũn, mời hắn vào nhà xơi nước. Thôi cũng hả, đã xử nhũn thì hắn vào.
Nhưng bỗng hắn lại hơi ngần ngại; biết đâu cái lão cáo già này nó lại
chả lừa hắn vào nhà rồi lôi thôi? Ồ mà thật có thể như thế lắm! Này nó
hãy lôi ngay mấy cái mâm cái nồi hay đồ vàng đồ bạc ra khoác vào cổ hắn,
rồi cho vợ ra kêu làng lên, rồi cột cổ hắn vào, chần cho một trận om
xương, rồi vu cho là ăn cướp thì sao? Cái thằng bá Kiến này, già đời đục
khoét, còn đớn cái nước gì mà chịu lép như trấu thế? Thôi dại gì mà vào
miệng cọp, hắn cứ đứng đây này, cứ lăn ra đây này, lại kêu toáng lên
xem nào. Nhưng nghĩ ngợi một tí, hắn có lăn ra kêu nữa, liệu có còn ai
ra? Vả lại bây giờ rượu nhạt rồi, nếu lại phải rạch mặt mấy nhát nữa thì
cũng đau. Thôi cứ vào! Vào thì vào, cần quái gì. Muốn đập đầu thì vào
ngay nhà nó mà đập đầu còn hơn ở ngoài. Cùng lắm, nó có giở quẻ, hắn
cũng chỉ đến đi ở tù. Ở tù thì hắn coi là thường. Thôi cứ vào.
Vào
rồi, hắn mới biết những cái hắn sợ là hão cả. Bá Kiến quả có ý muốn dàn
xếp cùng hắn thật. Không phải cụ đớn, chính thật cụ khôn róc đời, thứ
nhất sợ kẻ anh hùng, thứ hai sợ kẻ cố cùng liều thân. Chí Phèo không là
anh hùng, nhưng nó là cái thằng liều lĩnh. Liều lĩnh thì ai thèm chấp!
Thế nào là mềm nắn rắn buông? Cái nghề làm việc quan, nếu nhất nhất cái
gì cũng đè đầu ấn cổ thì lại bán nhà đi cho sớm. Cụ vẫn bảo lý Cường như
thế đấy. Vũ dũng như hắn mà làm lý trưởng là nhờ có cụ. Cụ mà chết đi
rồi, “chúng nó” lại không cho ăn bùn.
Tiếng
vậy, làm tổng lý không phải việc dễ. Ở cái làng này, dân quá hai nghìn,
xa phủ xa tỉnh, kể ăn thì cũng dễ ăn nhưng không phải hễ mà làm lý
trưởng thì cứ việc ngồi mà khoét. Hồi năm nọ, một thầy địa lý qua đây có
bảo đất làng này vào cái thế “quần ngư tranh thực”, vì thế mà bọn đàn
anh chỉ là một đàn cá tranh mồi. Mồi thì ngon đấy, nhưng mà năm bè bảy
mối, bè nào cũng muốn ăn. Ngoài mặt tử tế với nhau, nhưng thật ra trong
bụng lúc nào cũng muốn cho nhau lụn bại để cưỡi lên đầu lên cổ. Ngay
thằng Chí Phèo này đến đây sinh sự biết đâu lại không có thằng nào ẩy
đến? Nếu cụ không chịu nhịn, làm cho to chuyện có khi tốn tiền. Cái nghề
quan bám thằng có tóc ai bám thằng trọc đầu? Bỏ tù nó thì dễ rồi; nhưng
bỏ tù nó cũng có ngày nó được ra, liệu lúc ấy nó có để mình yên không
chứ? Cụ phải cái vụ thằng năm Thọ, mãi đến giờ vẫn chưa quên.
Năm
Thọ vốn là một thằng đầu bò đầu bướu. Hồi ấy, bá Kiến mới ra làm lý
trưởng, nó hình như kình nhau với lão ra mặt; lý Kiến muốn trị nhưng
chưa có dịp. Được ít lâu, hắn can dự vào một vụ cướp bị bắt giam; lý
Kiến ngấm ngầm vận động cho vào tù. Vẫn tưởng một người vai vế như năm
Thọ mà thất cơ lỡ vận đến nỗi tội tù làm gì còn dám vác mặt mo về làng?
Lý Kiến mừng thầm rằng đã nhổ được cây đinh trước mắt. Nào ngờ một buổi
tối lý Kiến đang ngồi một mình soạn giấy má thì năm Thọ vác dao xộc vào.
Nó đứng chặn lấy cửa và bảo: nếu kêu lên một tiếng thì đâm chết liền.
Thì ra nó vượt ngục và về đây nhờ ông lý một cái thẻ mang tên một người
lương thiện và một trăm đồng bạc để trốn đi. Nó lại bảo: nghe nó thì nó
đi biệt, mà không nghe thì nó đâm chết, rồi muốn ra sao thì ra; còn muốn
sống với vợ con thì nghe nó.
Lẽ
tất nhiên là lý Kiến nghe, năm Thọ đi phen ấy là mất tăm, cũng không
bao giờ về nữa thật. Nhưng thói đời, tre già măng mọc, có bao giờ hết
những thằng du côn? Năm Thọ vừa đi, lại có binh Chức ở đâu lần về. Mà
thằng này lúc nó còn ở nhà, nào nó có ngạo ngược gì cho cam! Người ta đã
phải gọi hắn là cục đất. Ai bảo làm sao thì ư hữ làm vậy, mới quát một
tiếng thì đã đái cả ra quần, thuế bổ một đồng thì đóng quá hai, đến nỗi
có con vợ hay hay mắt, bị người ta ghẹo cũng chỉ im im rồi về nhà hành
vợ chứ chẳng dám ho he gì, thế đấy: cái nghề đời hiền quá cũng hoá ngu, ở
đâu chứ ở đất này đã ngu, đã nhịn thì chúng nó ấn cho đến không còn
ngóc đầu lên được. Hắn làm thì làm cật lực mà quanh năm vẫn nghèo rớt
mồng tơi; chỉ vì một miếng cũng không giữ được mà ăn; đứa nào nó vớ nó
cũng xoay, mà đứa nào xoay thì cũng chịu. Sau cùng bực quá, hắn ra đi
lính. Lại càng thêm tội! Không bực còn được vợ, tuy rằng thỉnh thoảng có
bị sấy sớt ra ngoài, những vẫn là vợ mình. Bực thì hoá ra mất vợ. Bởi
vì chị vợ ở nhà còn trẻ, mới hai con, cái mắt sắc như dao lại hồng hồng
đôi má, bỗng nhiên sinh ra vắng chồng, của ngon trờ trờ ngay trước mắt,
ai mà chịu được?
Nhà
chị Binh ở gần đường. Ông phó đi đánh bạc ban đêm về cũng tạt vào; anh
trương tuần đi tuần cũng tạt vào; anh hàng xóm cũng mò sang, thậm chí
đến cái thằng hương Điền, đầu hai thứ tóc, già đời làm đầy tớ cho các
ông lý trưởng, cũng mon men vào gạ gẫm. Vợ binh Chức đã nghiễm nhiên
thành một con nhà thổ không phải trả tiền để bọn lý dịch trong làng
chuyên đổi. Chính ngay lý Kiến, tuy hồi ấy đã có đến ba vợ, cũng không
nỡ bỏ hoài cái của không dưng được trời cho; và không bỏ hoài, ông còn
được lợi. Mỗi lần chị Binh đi lĩnh lương hay lĩnh măng đa của chồng,
phải mượn ông lý đi nhận thực. Không ông lý nào vác của nhà đi ăn mà
nhận thực cho người ta, điều ấy là cố nhiên. Nhưng với lý Kiến thì không
những cơm rượu tiền túi, còn phải cho ngồi xe chung và còn ở lại tỉnh
nữa.
Thế
là mấy đồng bạc lương đi đời; mấy đứa con của chị ngày mai chỉ được mấy
cái kẹo đạn mút, hay hậu hĩnh ra thì được mấy cặp bánh giầy giò ăn.
Thành thử công lao anh Binh, rút lại chỉ cho chị Binh mỗi tháng một lần
hưởng những cuộc vui với ông lý nhà.
Chẳng
hiểu anh ta cũng biết thế mà chán cảnh nhà hay sao mà mãn hạn ba năm
cũng không thấy trở về. Rồi ít lâu sau, có trát về làng tróc nã và áp
giải tên Trần Văn Chức. Lý Kiến khai tên ấy thuộc hạng dân lưu tán không
về làng. Nhưng khai hôm trước thì hôm sau hắn về. Lý Kiến sai đầy tớ
đem trát đến nhà đòi hắn. Hắn đến ngay, nhưng lại dẫn theo cả vợ và hai
con. Không đợi ông lý nói một câu, hắn rút con dao chọc tiết lợn ra,
nhăm nhăm cầm ở tay mà bảo rằng: “Chẳng nói giấu gì ông, tôi can án giết
người. Nếu ông không thương, mà bắt giải thì vợ con tôi chết đói. Thôi
thì đằng nào chúng nó cũng chết, tôi đâm chúng nó chết ở đây rồi ông bắt
đi ở tù luôn thể”. Mắt hắn đỏ ngầu; lưỡi dao hắn hoa lên loang loáng,
chỉ trông cũng lạnh gáy. Hắn có thể giết người được lắm, mà không chỉ
giết có vợ và con thôi, khi hắn có gan đâm chết vợ con thì hắn có kiêng
gì cái cổ của người khác nữa? Lý Kiến nghĩ ngợi một lúc rồi bảo cứ về
rồi ông liệu. Ông liệu nghĩa là ông che đậy cái án của hắn cho không ai
biết và mỗi lần có trát về nhắc, ông lại khai rằng: vẫn chưa có tên Chức
về. Thế là hắn nghiễm nhiên sống ở ngay chính giữa quê hương hắn. Và
bây giờ người ta thấy vợ hắn rất chính chuyên mà lại trung thành, chị
chăm chỉ làm ăn để nuôi hắn. Những ông trưởng, ông phó tự nhiên nghĩ
bụng rằng: người ta có chồng rồi mà còn chàng màng thì phải tội; ai cũng
sinh ra tử tế cả chỉ trừ anh Binh, bởi vì Chức bây giờ lại rất mực
ngang ngược. Hắn ăn vườn đấy, nhưng chẳng nộp thuế cho ai. Thúc hắn thì
hắn chửi, cắm vườn hắn thì hắn chém, sinh chuyện với hắn thì chính lý
trưởng làng có lỗi bởi vì cố ý ẩn lậu hắn là một tên can phạm. Ấy thế mà
hắn cũng chưa vừa lòng đâu. Một hôm, không hiểu nghĩ ngợi thế nào, hắn
vác dao đến bảo thẳng vào mặt lý Kiến rằng:
-
Hồi tôi còn tại ngũ, tôi gửi về nhà có trăm. Không biết vợ tôi nó tiêu
pha gì hay cho trai mà không còn một đồng nào cả. Tôi hỏi nó thì nó bảo:
ở nhà đàn bà con gái một mình, không dám giữ tiền, được đồng nào mang
gửi ông lý cả. Tôi sợ nó bịa ra nên đã trói sẵn nó ở nhà. Bây giờ tôi
đến thưa với ông, tính toán xem được bao nhiêu cho đem về nuôi cháu.
Thiếu một đồng thì tôi không để yên cho chúng nó.
Lý Kiến hiểu rằng: “chúng nó” đây có thể gồm cả ông. Ông cười nhạt bảo rằng:
- Thế này này, anh Binh ạ: chị ấy gửi tôi thì quả là không có...
Hắn trợn mắt lên quát:
- Thế thì thằng nào ăn đi?
Lý Kiến vội nói lấp ngay:
-
Thế nhưng mà anh có thiếu tiền thì cứ bảo tôi một tiếng. Chị ấy trót
tiêu đi rồi thì có giết cũng chẳng ra. Lôi thôi làm gì sinh tội.
Ông
mở tráp ra quăng hắn 5 đồng bạc. Hắn cầm lấy, “lạy ông” tử tế, rồi xách
dao ra về. Từ hôm ấy hắn thành tử tế với lý Kiến, nhận là chỗ đầy tớ
chân tay, nhưng lý Kiến thỉnh thoảng vẫn phải cho hắn tiền. Cho mãi đến
năm ngoái đây, hắn chết...
*
* *
Thì
năm nay lại nảy ra Chí Phèo, một thằng hiền lành như đất - tội nghiệp
cho hắn, có lần lý Kiến thấy hắn vừa bóp đùi cho bà ba, vừa run run!
Bỗng nhiên vùng dậy giở toàn những giọng uống máu người không tanh. Thì
ra già néo đứt dây. Cụ tiên chỉ làng Vũ Ðại nhận ra rằng: đè nén con em
đến nỗi nó không chịu được phải bỏ làng đi là dại. Mười thằng đã đi ra
thì chín thằng trở về với cái vẻ hung đồ, cái tính ương ngạnh học được
từ phương xa. Một người khôn ngoan chỉ bóp đến nửa chừng. Hãy ngấm ngầm
đẩy người ta xuống sông, nhưng rồi dắt nó lên để nó đền ơn. Hãy đập bàn
đập ghế đòi cho được năm đồng, nhưng được rồi thì lại vất trả lại năm
hào “vì thương anh túng quá”! Và cũng phải tùy mặt nữa: những thằng có
máu mặt, vợ đẹp, con đàn chính là những thằng dễ bóp; trái lại những
thằng tứ cố vô thân, giết chúng thì dễ, nhưng giết được, chỉ còn có
xương; mà gây với chúng là mở một dịp tốt để cho các phe nghịch xoay lại
mình. Làng nào cũng có nhiều cánh, mỗi cánh kết bè kết đảng chung quanh
một người: cánh cụ bá Kiến, cánh ông đội Tảo, cánh ông Tư Ðạm, cánh ông
Bát Tùng... Bằng ấy cánh du lại với nhau để bóc lột con em, nhưng ngấm
ngầm chia rẽ, nhè từng chỗ hở để mà trị nhau. Cụ lại nhận ra rằng: ở cái
đất nhà quê, bọn dân hiền lành chỉ è cổ làm nuôi bọn hào lý, nhưng
chính bọn hào lý, nhiều khi lại phải ngậm miệng cung cấp cho những thằng
cùng hơn cả dân cùng liều lĩnh, lúc nào cũng có thể cầm dao đâm người
hay đâm mình.
Nhưng
cụ không phải là một người ưa than thở. Than thở chẳng ích gì cho ai,
cái bọn dân đinh suốt đời bị đè nén sở dĩ bị đè nén suốt đời chỉ vì khi
bị đè nén chúng chỉ biết than thở chứ không biết làm gì khác. Cụ bá Kiến
không cần than thở: trị không lợi thì cụ dùng. Cụ nghĩ bụng cũng phải
có những thằng đầu bò chứ? Không có những thằng đầu bò thì lấy ai mà trị
những thằng đầu bò? Thế lực của cụ sở dĩ lấn át được những vây cánh
khác, một phần lớn cũng bởi cụ biết mềm biết cứng, biết thu dụng những
thằng bạt mạng không sợ chết và không sợ đi tù. Những thằng ấy chính là
những thằng được việc. Khi cần đến, chỉ cho nó dăm hào uống rượu, là có
thể sai nó tác hại bất cứ anh nào không nghe mình. Gặp người bướng bỉnh,
đanh thép thì nó lừa đốt nhà hay cho mấy lát dao; gặp người non mặt,
thì nó quăng vào chai rượu lậu, hay gây sự rồi lăn ra kêu làng. Có chúng
nó sinh chuyện thì mới có dịp mà ăn, nếu không thì giữa đám dân hiền
lành và yên phận này, khéo lắm chỉ bóp nặn được vào vụ thuế. Thuế một
năm có một lần nếu chỉ trông vào đấy thì bán cha đi cũng không đủ để bù
vào chỗ ba, bốn nghìn bạc chạy chọt để tranh triện đồng.
Vì
thế, đêm hôm ấy, ở nhà bá Kiến ra về, Chí Phèo vô cùng hả hê! Bá Kiến
đã không vu vạ gì cho hắn, lại còn giết gà mua rượu cho hắn uống, xong
lại đãi thêm đồng bạc để về uống thuốc. Ðồng bạc, làm gì đến thế? Hắn
loạng choạng vừa đi vừa cười; hắn chẳng cần đến ba xu. Lúc ngồi tù hắn
có học mót được mấy bài thuốc giấu: chỉ vài nắm lá, là mặt hắn lại đâu
vào đấy ngay. Còn đồng bạc lại để đi uống rượu...
Hắn uống được có ba hôm, hôm thứ tư thì hắn trợn mắt lên, bảo con mẹ hàng rượu rằng:
- Hôm nay ông không có tiền; nhà mày bán chịu cho ông một chai. Tối ông mang tiền đến trả.
Mụ
bán hàng rượu hơi ngần ngừ. Thế là hắn rút bao diêm đánh cái xòe, châm
diêm lên mái nhà mụ. Mụ hoảng hốt kêu la om xòm vội dập tắt ngọn lửa vừa
mới cháy. Rồi khóc khóc mếu mếu, mụ đưa chai rượu. Hắn hầm hầm, chĩa
vào mặt mụ bảo rằng:
-
Cái giống nhà mày không ưa nhẹ! Ông mua chứ ông có xin nhà mày đâu! Mày
tưởng ông quỵt hở? Mày thử hỏi cả làng xem ông có quỵt của đứa nào bao
giờ không? Ông không thiếu tiền! Ông còn gửi đằng cụ bá, chiều này ông
đi lấy về ông trả.
Mụ vừa kéo áo lên quẹt nước mũi, vừa bảo:
- Chúng cháu không dám chắc lép nhưng quả là ít vốn.
Hắn quát lên:
- Ít vốn thì tối nay ông trả. Nhà mày đã chết ngay bây giờ hay sao?
Rồi
hắn xách chai ra về. Hắn về cái miếu con ở bờ sông, vì vốn từ trước đến
nay không có nhà. Lúc đi đường, hắn đã vặn được ở nhà nào đó bốn quả
chuối xanh, và bốc của cô hàng xén một dúm con muối trắng. Bây giờ hắn
uống rượu với chuối xanh chấm muối trắng và thấy rằng cũng ngon. Hắn
uống rượu với cái gì cũng ngon.
Uống
xong hắn chùi miệng, rồi ngật ngà ngật ngưỡng đến nhà bá Kiến. Gặp ai
hắn cũng bảo: hắn đến nhà cụ bá Kiến đòi nợ đây! Mới trông thấy hắn vào
đến sân, bá Kiến đã biết hắn đến sinh sự rồi. Cái mắt thì ngầu lên, hai
chân thì đi lảo đảo, cái môi bầm lại mà run bần bật. Cũng may, hắn không
cầm vỏ chai, bá Kiến cũng dõng dạc hỏi:
- Anh Chí đi đâu đấy?
Hắn chào to:
- Lạy cụ ạ. Bẩm cụ... Con đến cửa cụ để kêu cụ một việc ạ.
Giọng hắn lè nhè và tiếng đã gần như méo mó. Nhưng bộ điệu thì lại như hiền lành; hắn vừa gãi đầu gãi tai, vừa lải nhải:
-
Bẩm cụ, từ ngày cụ bắt đi ở tù, con lại sinh ra thích đi ở tù, bẩm có
thế, con có nói gian thì trời tru đất diệt, bẩm quả là đi tù sướng quá.
Ði ở tù còn có cơm để mà ăn, bây giờ về làng về nước, một thước đất cắm
dùi không có, chả làm gì nên ăn. Bẩm cụ, con lại đến kêu cụ, cụ lại cho
con đi tù...
Cụ bá quát, bắt đầu bao giờ cụ cũng quát để thử dây thần kinh của người.
- Anh này lại say khướt rồi!
Hắn xông lại gần, đảo ngược mắt, giơ tay lên nửa chừng:
- Bẩm không ạ, bẩm thật là không say. Con đến xin cụ cho con đi tù mà nếu không được thì... thì... thưa cụ...
Hắn móc đủ mọi túi, để tìm một cái gì, hắn giơ ra: đó là một con dao nhỏ, nhưng rất sắc. Hắn nghiến răng nói tiếp:
- Vâng, bẩm cụ không được thì con phải đâm chết dăm ba thằng, rồi cụ bắt con giải huyện.
Rồi
hắn cúi xuống, tần mần gọt cạnh cái bàn lim. Cụ bá cười khanh khách. Cụ
vẫn tự phụ hơn đời cái cười Tào Tháo ấy. Cụ đứng lên vỗ vai hắn mà bảo
rằng:
-
Anh bứa lắm. Nhưng này, anh Chí ạ, anh muốn đâm người cũng không khó
gì. Ðội Tảo nó còn nợ tôi năm mươi đồng đấy, anh chịu khó đến đòi cho
tôi, đòi được tự nhiên có vườn.
Ðội
Tảo là một tay vai vế trong làng. Vây cánh ông ta mạnh, vẫn kình nhau
với nhà cụ bá mà cụ bá thường phải chịu bởi hắn là cựu binh, lương hưu
trí nhiều, quen thuộc nhiều, lại ăn nói giỏi. Hắn vay cụ bá năm mươi
đồng đã từ lâu, bây giờ đột nhiên trở mặt vỗ tuột, lấy cớ rằng số tiền
ấy tính vào món tiền chè lý Cường ra làm lý trưởng chưa tạ hắn. Cụ bá
tức như chọc họng, nhưng chưa biết làm thế nào, bởi vì thằng binh Chức,
đầy tớ chân tay của cụ, khả dĩ đương đầu với hắn được, chết năm ngoái
rồi. Bây giờ cụ mới lại gặp được Chí Phèo, có thể thay cho binh Chức. Cụ
thử nói khích xem sao. Nếu nó trị được đội Tảo thì tốt lắm. Nếu nó bị
đội Tảo trị thì cụ cũng chẳng thiệt gì, đằng nào cũng có lợi cho cụ cả.
Chí
Phèo nhận ngay! Hắn tức khắc đến nhà đội Tảo, và cất tiếng chửi ngay từ
đầu ngõ. Giá gặp phải hôm khác, thì có án mạng lắm: đội Tảo cũng có thể
đâm chém được, chưa bao giờ chịu hàng trước cuộc giao tranh. Nhưng phúc
đời cho hắn, hay là cho Chí Phèo, hôm ấy hắn ốm liệt giường, không sao
nhắc mình dậy được, có lẽ hắn cũng không biết Chí Phèo chửi hắn. Vợ hắn,
thấy Chí Phèo thở ra mùi rượu, và biết rõ đầu đuôi món nợ, lấy năm mươi
đồng giấu chồng đưa cho người nhà đi theo Chí Phèo. Đàn bà vốn chuộng
hoà bình; họ muốn yên chuyện thì thôi, gai ngạnh làm gì cho sinh sự. Vả
lại, bà đội cũng nghĩ rằng: chồng mình đang ốm... chồng mình có nợ người
ta hẳn hoi... Và năm chục đồng bạc đối với nhà mình là mấy, lôi thôi
lại chả tốn đến ba lần năm chục đồng!
Vì
thế, Chí Phèo mới được vênh vênh ra về; hắn thấy hắn oai thêm bậc nữa.
Hắn tự đắc: “anh hùng làng này cóc có thằng nào bằng ta!”. Cụ bá thấy
mình thắng bên địch mà không cần đến hội đồng làm biên bản xem chừng
thích chí. Cụ đưa luôn cho anh đầy tớ chân tay mới luôn năm đồng.
-
Anh Chí ạ, cả năm chục đồng này phần anh. nNưng nếu anh lấy cả thì chỉ
ba hôm là tan hết. Vậy anh cầm lấy chỗ này uống rượu còn để tôi bán cho
anh mảnh vườn; không có vườn đất thì làm ăn gì?
Chí
Phèo “vâng dạ” ra về. Mấy hôm sau, cụ bá bảo lý Cường cho hắn năm sào
vườn ở bãi sông cắm thuế của một người làng hôm nọ. Chí Phèo bỗng thành
ra có nhà. Hồi ấy hắn mới đâu hăm bảy hay hăm tám...
Bây
giờ thì hắn đã thành người không tuổi rồi. Ba mươi tám hay ba mươi
chín? Bốn mươi hay ngoài bốn mươi? Cái mặt hắn không trẻ cũng không già;
nó không còn phải là mặt người; nó là mặt của con vật lạ, nhìn mặt
những con vật có bao giờ biết tuổi? Cái mặt hắn vàng vàng mà lại muốn
xạm màu gio; nó vằn dọc vằn ngang, không thứ tự, biết bao nhiêu là sẹo.
Vết những mảnh chai của bao nhiêu lần ăn vạ kêu làng, bao nhiêu lần, hắn
nhớ làm sao nổi? Bao nhiêu việc ức hiếp, phá phách, đâm chém, mưu hại,
người ta giao cho hắn làm! Những việc ấy chính là cuộc đời của hắn; cuộc
đời mà hắn cũng chả biết đã dài bao nhiêu năm rồi. Bởi vì ngay đến cái
thẻ có biên tuổi hắn cũng không có, trong sổ làng người ta vẫn khai hắn
là dân lưu tán, lâu năm không về làng. Hắn nhớ mang máng rằng có lần hắn
hai mươi tuổi, rồi hắn đi ở tù, rồi hình như hắn hăm nhăm không biết có
đúng không? Bởi từ đấy thì đối với hắn không còn ngày tháng nữa. Bởi vì
từ đấy hắn bao giờ cũng say. Nhưng cơn say của hắn tràn cơn này qua cơn
khác, thành một cơn dài, mênh mông, hắn ăn trong lúc say, ngủ trong lúc
say, thức dậy vẫn còn say, đập đầu rạch mặt chửi bới, dọa nạt trong lúc
say, uống rượu trong lúc say, để rồi say nữa, say vô tận. Chưa bao giờ
hắn tỉnh và có lẽ hắn chưa bao giờ tỉnh táo, để nhớ rằng có hắn ở đời.
Có lẽ hắn cũng không biết rằng hắn là con quỷ dữ của làng Vũ Ðại, để tác
quái cho bao nhiêu dân làng. Hắn biết đâu hắn đã phá bao nhiêu cơ
nghiệp, đập nát bao nhiêu cảnh yên vui, đạp đổ bao nhiêu hạnh phúc, làm
chảy máu và nước mắt của bao nhiêu người lương thiện. Hắn đâu biết vì
hắn làm tất cả những việc ấy trong khi người hắn say; hắn say thì hắn
làm bất cứ cái gì người ta sai hắn làm. Tất cả dân làng đều sợ hắn và
tránh mặt hắn mỗi khi hắn qua.
Vì
thế cho nên hắn chửi hay là chẳng vì cái gì hắn cũng chửi, cứ rượu xong
là hắn chửi. Hắn chửi như những người say rượu hát. Giá hắn biết hát
thì có lẽ hắn không cần chửi. Khổ cho hắn và khổ cho người hắn lại không
biết hát. Thì hắn chửi, cũng như chiều nay hắn chửi...
Hắn
chửi trời và đời. Hắn chửi cả làng Vũ Ðại. Hắn chửi tất cả những đứa
nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng mặc, ai mà hoài hơi, tức mình
hắn chửi đứa nào đẻ ra chính hắn, lại càng không ai cần! Và hắn lấy thế
làm ức lắm; bởi vì người ta không thể chửi nhau một mình; chửi nhau một
mình thì còn văn vẻ gì! Thế là chắc chắn đã có một cớ để tức tối, một cớ
rất chính đáng để hắn có thể hùng hổ đi báo thù. Phải, hắn phải báo
thù, báo thù vào bất cứ ai. Hắn phải vào nhà nào mới được, bất cứ nhà
nào. Hắn sẽ rẽ vào bất cứ ngõ nào hắn gặp để đập phá đốt nhà hay lăn ra
kêu làng nước. Phải đấy, hắn sẽ rẽ vào bất cứ ngõ nào hắn gặp... Á, đâu
kia rồi mau mau...
Nhưng
mà mặt trăng lên, mặt trăng rằm vành vạnh. Và ánh trăng chảy trên đường
trắng tinh. Ồ, cái gì đây, đen và méo mó trên đường trăng nhễ nhại? Nó
xệch xạc về bên trái, thu gọn vào rồi lại dài loang ra, xé rách vài chỗ.
Nó
cứ quần quật dưới chân Chí Phèo. Chí Phèo đứng lại và nhìn nó và hắn
bỗng nghiêng ngả cười. Hắn cười ngặt nghẽo, cười rũ rượi. Giá hắn cứ
chửi lại còn dễ nghe! Cái vật xệch xạc trên đường chính là bóng hắn. Thế
là hắn cười, và hắn quên báo thù: hắn đi qua cái ngõ đầu tiên kia rồi.
Bây giờ thì đến ngõ nhà tự Lãng, một anh thầy cúng có một bộ râu lờ phờ.
Chí phèo bỗng nảy ra một ý: tạt vào đây và đập cái bàn chầu văn của lão
tự nửa mùa này ra. Bởi vì lão tự này vừa làm thầy cúng lại vừa làm nghề
hoạn lợn. Cái đàn của lão lừng phừng nghe còn chối tai hơn là lợn kêu.
Nhưng lúc vào thì lão tự lại đang uống rượu; lão uống rượu ngay ở sân,
vừa uống vừa vuốt râu, vừa rung rung cái đầu. Chí Phèo đứng lại nhìn,
thấy lão cũng hay hay. Hắn thấy tất cả những người uống rượu đều hay
hay. Rồi đột nhiên hắn khát, trời ơi sao mà khát! Khát đến cháy cổ
họng... Không do dự, hắn lại bên lão tự, nhắc lấy chai rượu ngửa cổ dốc
vào mồm tu. Lão tự duỗi cái cổ gà vặt lông ra, trố mắt lên, nhưng không
nói gì. Lưỡi lão ríu lại rồi, còn nói làm sao được? Lão đã uống hết hai
phần chai. Còn một phần thì Chí Phèo tu nốt. Hắn tu có một hơi, rồi khà
một cái, chép cái miệng như còn thèm. Rồi hắn nắm lấy mấy cái râu lờ phờ
của lão tự, nâng soi lên trăng mà cười. Lão tự cũng cười. Hai thằng say
rượu ngả vào nhau mà cười, như một đôi tri kỷ cuồng. Rồi tự Lãng vào
nhà xách hai chai rượu nữa; lão còn đúng hai chai nữa, lão mời Chí Phèo
uống nữa, uống thật say, không cần gì. Cứ việc uống, đừng có lo ngại gì
đấy! Vợ lão chết đến bảy tám năm nay rồi, con gái lão chửa hoang bỏ lão
đi, lão chỉ có một mình, không còn vợ con nào mè nheo cả, lão muốn uống
đến bao giờ thì uống. Cứ uống! Cứ uống, cứ uống đi ông bạn lạc đường từ
cung trăng xuống ạ! Uống thật tợn, uống đến đái ra rượu thì mới thích.
Nhịn uống để làm gì? Có giàu có sang, có làm nên ông cả bà lớn nữa, chết
cũng không ai gọi là “cụ lớn mả”! Lão sống có đến hơn năm mươi rồi mà
chưa thấy một cụ lớn mả nào sống sót! Chỉ có cái mả, cái mả đất. Ai chết
cũng thành cái mả, say sưa chết cũng thành cái mả, lo gì? Cứ say.
Chưa
bao giờ Chí Phèo được thỏa thê đến thế! Hắn lấy làm lạ sao mãi đến hôm
nay mới ngồi uống rượu với thằng cha tự này. Chúng uống với nhau rất là
nhiều. Và rất là nhiều. Người ta tưởng như cả làng Vũ Ðại phải nhịn uống
để đủ rượu cho chúng uống.
Ðến
lúc hết cả hai chai thì tự Lãng đã bò ra sân. Lão bò như cua và hỏi Chí
Phèo rằng: người ta đứng lên bằng cái gì? Chí Phèo vần ngửa lão ra,
vuốt cái râu lờ phờ của lão mấy cái, rồi để mặc lão thế, hắn lảo đảo ra
về.
Hắn
vừa đi vừa phanh ngực ra mà gãi. Hắn gãi ngực rồi gãi lên cổ, gãi mang
tai và gãi lên cả đầu. Có lúc hắn phải đứng lại giữa đường mà gãi, ghệch
chân lên mà gãi, hắn bứt rứt quá, ngứa ngáy quá, và chợt nghĩ ngay đến
cái bờ sông gần nhà. Bởi vì cái vườn của hắn ở gần một con sông con,
nước lặng và trong, khắp bãi trồng toàn dâu, gió đưa đẩy những thân mềm
oặt ẹo, cuộn theo nhau thành làn. Duy có vườn nhà hắn trồng toàn chuối, ở
một góc vườn có túp lều con. Những đêm trăng như đêm nay, cái vườn
phẳng ngổn ngang những bóng chuối đen như những cái áo nhuộm vắt tung
trên bãi. Và những tàu chuối nằm ngửa, ưỡn cong cong lên hứng lấy trăng
xanh rời rợi như là ướt nước, thỉnh thoảng bị gió lay lại giẫy lên đành
đạch như là hứng tình.
Chí
Phèo vừa tò mò nhìn những tàu lá chuối vừa đi xuống vườn. Nhưng hắn
không vào cái túp lều úp xúp mà ra thẳng bờ sông. Hắn định sẽ nhảy xuống
tắm cho khỏi ngứa ngáy rồi lăn ngay ra vườn mà ngủ. Tội gì chui vào
lều, bức đến không còn thở được. Một thằng như hắn, đập đầu không chết,
huống hồ là gió sương... Ðến bờ sông hắn dừng lại, vì hình như có người.
Có người thật, và hắn ngây ra nhìn.
Hắn
nhìn giữa hai lọ nước và tựa lưng vào gốc chuối, một người đàn bà ngồi
tênh hênh. Chính là người đàn bà, hắn biết vậy là nhờ mái tóc dài buông
xõa xuống vai trần và ngực... Hai tay trần của mụ buông xuôi, cái mồm
của mụ há hốc lên trăng mà ngủ, hay là chết. Đôi chân thì duỗi thẳng ra
trước mặt, cái váy đen xộc xệch... Bên kia, có lẽ vì mụ giẫy cái yếm xẹo
xọ để trật ra cái sườn nây nây. Tất cả những cái ấy phơi ra trăng, rười
rượi những trăng làm trắng những cái đó có lẽ ban ngày không trắng;
trăng làm đẹp lên. Chí Phèo tự nhiên thấy ứ đầy miệng bao nhiêu là nước
dãi, mà cổ thì lại khô, hắn nuốt ừng ực, hắn thấy cái gì rộn rạo ran
khắp người. Bỗng nhiên hắn run run. Ồ tại sao như thế được? Ðáng nhẽ
chính người đàn bà khốn nạn kia phải run mới phải, cái người đàn bà dại
dột đã nằm ềnh ệch mà ngủ ngay gần nhà hắn này.
Nhưng
người đàn bà ấy lại chính là thị Nở, một người ngẩn ngơ như những người
đần trong cổ tích và xấu ma chê quỷ hờn. Cái mặt của thị đích thực là
một sự mỉa mai của hóa công: nó ngắn đến nỗi người ta có thể tưởng bề
ngang lớn hơn bề dài, thế mà hai má nó lại hóp vào mới thật là tai hại,
nếu má nó phinh phính thì mặt thị lại còn được hao hao như mặt lợn, là
thứ mặt vốn nhiều hơn người ta tưởng, trên cổ người. Cái mũi thì vừa
ngắn, vừa to, vừa đỏ, vừa sần sùi như vỏ cam sành, bành bạnh muốn chen
lẫn nhau với những cái môi cũng cố to cho không thua cái mũi: có lẽ vì
cố quá cho nên chúng nứt nở như rạn ra. Ðã thế thị lại ăn trầu thuốc,
hai môi dày được bồi cho dày thêm, cũng may quyết trầu sánh lại, che
được cái màu thịt trâu xám ngoách. Ðã thế những cái răng rất to lại chìa
ra: ý hẳn chúng nghĩ sự cân đối chữa được một vài phần cho sự xấu. Ðã
thế thị lại dở hơi; đó là một ân huệ đặc biệt của Thượng đế chí công;
nếu sáng suốt thì người đàn bà ấy sẽ khổ sở ngay từ khi mua cái gương
thứ nhất. Và thị lại nghèo nếu trái lại, ít nhất đã có một đàn ông khổ
sở. Và thị lại là dòng giống của một nhà có mả hủi: cái này khiến không
một chàng trai nào phải phân vân. Người ta tránh thị như tránh một con
vật rất tởm. Ngoài ba mươi tuổi, thị vẫn chưa có chồng. Ở cái làng Vũ
Ðại này người ta kết bạn từ khi lên tám, và có khi có con từ lúc mười
lăm; không ai đợi đến năm hai mươi đẻ đứa con thứ nhất. Cứ nhìn tình
hình ấy thì ta nói quách: thị Nở không có chồng. Mà thị cũng không còn
ai thân thích, trừ một người cô đã có thể gọi được là già, và đã không
chồng như thị. Số trời định thế, để không ai phải trơ trọi trên đời này.
Người cô làm thuê cho người đàn bà buôn chuối và trầu không xếp tàu đi
Hải Phòng, có khi đi tận Hòn Gai, Cẩm Phả. Còn thị sống bằng những nghề
lặt vặt ở làng. Hai cô cháu sống trong một cái nhà tre cách vườn của Chí
Phèo bởi một con đê; hắn ở ngoài bãi, hai người ở trong xóm. Có lẽ
chính vì thế mà thị Nở không sợ cái thằng mà cả làng sợ. Gần gũi lâu
cũng sinh quen, mà quen thì ít khi còn sợ. Những người trông coi vườn
bách thú thường bảo rằng hổ báo hiền y như mèo. Vả lại có lý nào để thị
sợ hắn đâu? Người ta không ai sợ kẻ khác phạm đến cái xấu, cái nghèo,
cái ngẩn ngơ của mình, mà thị lại chỉ có ba cái ấy... Một phần nữa cũng
bởi Chí Phèo ít khi ở nhà, mà ở nhà thì hắn lại hiền lành, ai có thể ác
trong khi ngủ? Hắn chỉ về nhà để ngủ.
Ngày
nào thị Nở cũng phải qua vườn nhà hắn hai ba lần, là vì qua vườn nhà
hắn có một lối nhỏ đi ra sông; trước kia, cả xóm vẫn dùng cái ngõ ấy để
ra sông tắm giặt hay kín nước. Nhưng từ khi hắn đến người ta thôi dần,
tìm một lối khác đi xa hơn. Trừ thị Nở: thì đã bảo thị là người dở hơi,
thị không thích làm như kẻ khác. Quá tin ở người, quá tin ở mình liều
lĩnh, bướng bỉnh hay có lẽ chỉ không chịu rời thói quen. Nhưng hãy biết
thị cứ đi ngõ ấy và vẫn chẳng làm sao cả. Thế rồi quen đi. Có lần trong
lúc Chí Phèo ngủ, thị vào cả nhà hắn để rọi nhờ lửa nữa, có lần thị xin
của hắn một ít rượu về để bóp chân; hắn mải ngủ càu nhàu bảo thị rằng: ở
xó nhà ấy, muốn rót bao nhiêu thì rót, để yên cho hắn ngủ. Và lắm lúc
thị ngạc nhiên: sao người ta ghê hắn thế?
Chiều
hôm ấy thị Nở cũng ra sông kín nước như mọi chiều. Nhưng chiều hôm ấy,
trăng lại sáng hơn mọi chiều, trăng tỏa trên sông và sông gợn biết bao
nhiêu gợn vàng. Những vàng ấy rung rinh mới trông thì đẹp, nhưng trông
lâu mỏi mắt. Gió lại mát như quạt hầu. Thị Nở thấy muốn ngáp mà mí mắt
thì nặng dần, toan díp lại. Thị vốn có một tật không sao chữa được: có
lúc đột nhiên muốn ngủ, bất cứ ở đâu hay đang làm gì. Bà cô thị bảo thị
là một người vô tâm. Ngáp một cái, thị nghĩ bụng: khoan hãy kín nước,
hãy để lọ xuống ngồi nghỉ đây. Bởi vì thị đã luật quật đập đất từ trưa
tới giờ. Mà mấy khi được một nơi mát thế, mát rợn da rợn thịt, sung
sướng quá! Mát y như quạt hầu. Thị cởi áo ra ngồi tựa vào gốc chuối,
dáng ngồi không kín đáo, nhưng không bao giờ thị biết thế nào là lả lơi.
Con người vô tâm, không hay nghĩ xa xôi mà. Vả lại ở đây chẳng có ai.
Chí Phèo đã về đâu, mà hắn có về thì cũng say khướt đã ngủ từ nửa đường
và tới nhà tức khắc chúi đầu vào ngủ nốt. Hắn ra làm gì đây, cho có ra
nữa thì đã sao? Thị không thể sợ hắn có thể phạm đến thị bởi lẽ rất giản
dị là thị chưa thấy ai phạm đến thị bao giờ. Thật ra thì thị cũng chẳng
nghĩ ngợi nhiều đến thế. Trong óc thị đã có một bóng đen lan rồi. Thị
không ngồi thì không chịu được.
Ngồi
một lúc thị thấy rằng: nếu cứ ngồi mãi thì ngủ mất. Nhưng thị đã ngủ
đến hai phần rồi. Và thị nghĩ: thì ngủ, ngủ thì đã làm sao! Về nhà thì
cũng chỉ ngủ, ngủ ngay đây cũng vậy. Bà cô đi theo hàng ít ra cũng dăm
hôm mới về. Thị cứ ngồi đây cho mát. Và thị ngủ. Thị ngủ ngon lành và
say sưa.
Chí
Phèo vẫn say say nhìn và run run. Bỗng nhiên hắn rón rén lại gần thị
Nở: lần đầu tiên hắn rón rén, từ khi về làng. Thoạt tiên, hắn xách cái
lọ để ra xa, rồi hắn lẳng lặng ngồi xuống bên sườn thị.
Và
thị Nở giật mình. Thị Nở mới kịp giật mình thì thằng đàn ông đã bám víu
lấy thị.... Thị vùng vẫy đẩy ra, thị mở mắt, thị tỉnh hẳn, thị nhận ra
Chí Phèo. Thị vừa thở, vừa vật nhau với hắn vừa hổn hển: “Ô hay... Buông
ra... Tôi kêu... Tôi kêu làng... Buông ra. Tôi kêu làng lên bây giờ!”
Thằng đàn ông phì cười. Sao thị lại kêu làng nhỉ? Hắn vẫn tưởng chỉ có
hắn mới kêu làng thôi; người ta lại kêu tranh của hắn, bỗng nhiên hắn la
lên kêu làng.
Hắn
kêu như một kẻ bị đâm, vừa kêu vừa dằn người đàn bà xuống. Thị Nở trố
mắt ngây ra nhìn. Thị Nở kinh ngạc: sao hắn lại kêu làng nhỉ? Mà hắn vẫn
chưa chịu thôi kêu làng. Cũng may người quanh đây không có ai lạ gì
tiếng hắn, mà khi hắn kêu làng thì không ai cần động dạng: họ lạu bạu
chửi rồi lại ngủ; hắn kêu làng cũng như người khác buồn, hát ngao. Đáp
lại hắn chỉ có lũ chó cắn xao lên trong xóm.
Thị
Nở bỗng nhiên bật cười. Thị Nở vừa rủa vừa đập tay lên lưng hắn. Nhưng
đó là cái đập yêu, bởi vì đập xong, cái tay ấy lại giúi lưng hắn xuống.
Và chúng cười với nhau...
Bây
giờ thì chúng ngủ bên nhau... Đứa bé bú no thì ngủ. Người ta ngủ say
sau khi làm việc yêu. Chúng ngủ như chưa bao giờ được ngủ... Trăng vẫn
thức, vẫn trong trẻo... Trăng rắc bụi trên sông, và sông gợn biết bao
nhiêu vàng. Nhưng đến gần sáng, bỗng nhiên Chí Phèo chống một tay xuống
đất, ngồi lên một nửa. Hắn thấy nôn nao, chân tay bủn rủn, như đến hai
ba ngày nhịn đói. Thế mà bụng lại phinh phính đầy, hình như bụng hơi
đau. Còn hình như gì nữa, thôi đúng đau bụng rồi. Đau thật, đau mỗi lúc
một dữ! Nó cứ cuồn cuộn lên. À mà trời lành lạnh. Hễ có gió thì kinh
kinh. Mỗi lần gió, hắn rươn rướn người. Hắn muốn đứng lên. Sao đầu nặng
quá mà chân thì bẩy rẩy. Mắt hắn hoa lên. Bụng quặn lại, đau gò ngườI.
Hắn oẹ. Hắn oẹ ba bốn cái. Oẹ mãi. Giá mửa ra được thì dễ chịu. Hắn cho
một ngón tay vào móc họng. Hắn oẹ ra một cái to hơn, ruột hình như lộn
lên. Nhưng cũng chỉ nhổ ra toàn nước dãi. Hắn nghỉ một tí rồi lại cho
tay vào mồm. Lần này thì mửa được. Trời ơi! Mửa thốc mửa tháo, mửa ồng
ộc, mửa đến cả ruột. Đến nỗi người đàn bà phải dậy. Thị ngồi nhỏm dậy và
ngơ ngác nhìn. Cái óc nặng nề ấy phải lâu mới nhớ ra và lâu mới hiểu.
Bây
giờ thì Chí Phèo đã mửa xong. Hắn mệt quá, lại vật người ra đất. Hắn đờ
hai con mắt khẽ rên: hắn chỉ còn đủ sức để rên khe khẽ. Từ đống mửa bay
lại một mùi gì thoảng như mùi rượu, hắn bỗng nhiên rùng mình.
Thị Nở lại. Đặt một tay lên ngực hắn (thị suy nghĩ đến bây giờ mới xong), thị hỏi hắn:
- Vừa thổ hả?
Mắt hắn đảo lên nhìn thị, nhìn một thoáng rồi lại đờ ra ngay.
- Ði vào nhà nhé?
Hắn làm như gật đầu. Nhưng cái đầu không động đậy, chỉ có cái mí mắt là nhích thôi.
- Thì đứng lên.
Nhưng
hắn đứng lên làm sao được. Thị quàng tay vào nách hắn, đỡ cho hắn gượng
ngồi. Rồi thị kéo hắn đứng lên. Hắn đu vào cổ thị, hai người lảo đảo đi
về lều.
Không
có giường, chỉ có một cái chõng tre. Thị để hắn nằm lên và đi nhặt
nhạnh tất cả những manh chiếu rách đắp lên cho hắn. Hắn hết rên. Hình
như hắn ngủ. Thị cũng lim dim chực ngủ. Nhưng trong nhà nhiều muỗi quá.
Muỗi nhắc cho thị cái áo quên ngoài vườn. Thị ra vườn. Đôi lọ nhắc cho
thị việc đi kín nước, thị mải mốt mặc áo, kín nước, rồi xách đôi lọ nước
đi về nhà.
Trăng
chưa lặn, không chừng trời còn khuya. Thị lên giường định ngủ. Nhưng
nhớ lại việc lạ lùng tối qua. Thị cười. Thị thấy không buồn ngủ, và thị
cứ lăn ra lăn vào.
Khi
Chí Phèo mở mắt thì trời đã sáng lâu. Mặt trời chắc đã cao, và nắng bên
ngoài chắc là rực rỡ. Cứ nghe chim ríu rít bên ngoài là đủ biết. Nhưng
trong cái lều ẩm thấp vẫn chỉ hơi tờ mờ. Ở đây người ta thấy chiều lúc
xế trưa và gặp đêm thì bên ngoài trời vẫn sáng. Chưa bao giờ Chí Phèo
nhận thấy thế bởi chưa bao giờ hết say.
Nhưng
bây giờ thì hắn tỉnh. Hắn bâng khuâng như tỉnh dậy, hắn thấy miệng
đắng, lòng mơ hồ buồn. Người thì bủn rủn, chân tay không buồn nhấc, hay
là đói rượu, hắn hơi rùng mình. Ruột gan lại nôn nao lên một tý. Hắn sợ
rượu cũng như những người ốm sợ cơm. Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ
quá! Có tiếng cườu nói của những người đi chợ. Anh thuyền chài gõ mái
chèo đuổi cá.
Những tiếng quen thuộc ấy hôm nào chả có. Nhưng hôm nay hắn mới nghe thấy... Chao ôi là buồn!
- Vải hôm nay bán mấy?
- Kém ba xu dì ạ.
- Thế thì còn ăn thua gì!
- Thật thế đấy. Nhưng chẳng lẽ rằng lại chơi.
Chí
Phèo đoán một người đàn bà hỏi một người đàn bà khác đi bán vải ở Nam
Ðịnh về. Hắn nôn nao buồn, là vì mẩu chuyện ấy nhắc cho hắn một cái gì
rất xa xôi. Hình như có một thời hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ.
Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải, chúng lại bỏ một con lợn nuôi để
làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm.
Tỉnh
dậy hắn thấy già mà vẫn còn cô độc. Buồn thay cho đời! Có lý nào như
thế được? Hắn đã già rồi hay sao? Ngoài bốn mươi tuổi đầu... Dẫu sao, đó
không phải tuổi mà người ta mới bắt đầu sửa soạn. Hắn đã tới cái dốc
bên kia của đời. Ở những người như hắn, chịu đựng biết bao nhiêu là chất
độc, đầy đọa cực nhọc mà chưa bao giờ ốm, một trận ốm có thể gọi là dấu
hiệu báo rằng cơ thể đã hư hỏng nhiều. Nó là một cơn mưa gió cuối thu
cho biết trời gió rét, nay mùa đông đã đến. Chí Phèo hình như đã trông
thấy trước tuổi già của hắn, đói rét và ốm đau, và cô độc, cái này còn
đáng sợ hơn đói rét và ốm đau.
Cũng
may Thị Nở vào. Nếu thị không vào, cứ để hắn vẩn vơ mãi, thì đến khóc
được mất. Thị vào cắp một cái rổ, trong có một nồi gì đậy vung. Đó là
một nồi cháo hành còn nóng nguyên. Là vì lúc còn đêm, thị trằn trọc một
lát, thị bỗng nhiên nghĩ rằng: cái thằng liều lĩnh ấy kể ra thì đáng
thương, còn gì đáng thương bằng đau ốm mà nằm còng queo một mình. Giá
thử đêm qua không có thị thì hắn chết. Thị kiêu ngạo vì đã cứu sống một
người. Thị thấy như yêu hắn: đó là một cái lòng yêu của một người làm
ơn. Nhưng cũng có cả lòng yêu của một người chịu ơn. Một người như thị
Nở càng không thể quên được. Cho nên thị nghĩ: mình bỏ hắn lúc này thì
cũng bạc. Dẫu sao cũng đã ăn nằm với nhau! Ăn nằm với nhau như “vợ
chồng”. Tiếng “vợ chồng”, thấy ngường ngượng mà thinh thích. Đó vẫn là
điều mong muốn âm thầm của con người khốn nạn ấy chăng. Hay sự khoái lạc
của xác thịt đã làm nổi dậy những tính tình mà thị chưa bao giờ biết?
Chỉ
biết rằng thị muốn gặp Chí Phèo, gặp hắn mà nhắc lại chuyện đêm qua thì
chắc buồn cười lắm. Gớm! Sao lại có thứ người đâu mà lì quá thế? Người
ta ngồi đấy mà dám xán lăn ngay vào, nó chả ngang ngược mà người ta kêu
bé, nó lại làm to hơn. Mà kể thì cũng ngù ngờ. Cái thằng trời đánh không
chết ấy, nó còn sợ ai mà hòng kêu. Nhưng mà đáng kiếp. Thổ trận ấy thật
là phải biết. Cứ gọi là hôm nay nhọc đừ. Phải cho hắn ăn tí gì mới
được. Đang ốm thế thì chỉ ăn cháo hành. Ra được mồ hôi thì là nhẹ nhõm
người ngay đó mà... Thế là vừa sáng thì đã chạy đi tìm gạo. Hành thì nhà
thị may lại còn.
Thị nấu bỏ vào cái rổ, mang ra cho Chí Phèo.
Thằng
này rất ngạc nhiên. Hết ngạc nhiên thì hắn thấy mắt mình hình như ươn
ướt. Bởi vì lần này là lần thứ nhất hắn được một người đàn bà cho. Xưa
nay, nào hắn có thấy ai tự nhiên cho cái gì. Hắn vẫn phải doạ nạt hay
giật cướp. Hắn phải làm cho người ta sợ. Hắn nhìn bát cháo bốc khói mà
bâng khuâng. Thị Nở thì chỉ nhìn trộm hắn, rồi lại toe toét cười. Trông
thị thế mà có duyên. Tình yêu làm cho có duyên. Hắn thấy vừa vui lại vừa
buồn. Và một cái gì nữa, giống như là ăn năn. Cũng có thể như thế lắm.
Người ta hay ăn năn hối hận về tội ác khi không đủ sức để ác nữa. Thị Nở
giục hắn ăn nóng. Hắn cầm lấy bát cháo đưa lên mồm. Trời ơi cháo mới
thơm làm sao! Chỉ khói xông vào mũi cũng đủ làm người nhẹ nhõm. Hắn húp
một húp và nhận ra rằng: những người suốt đời không ăn cháo hành không
biết rằng cháo rất ngon. Nhưng sao lại mãi đến bây giờ hắn mới nếm vị
mùi cháo?
Hắn
tự hỏi rồi lại tự trả lời: vì có ai nấu cho ăn đâu? Mà còn ai nấu cho
mà ăn nữa! Ðời hắn chưa bao giờ được săn sóc bởi một tay “đàn bà”. Hắn
nhớ đến “bà ta”, cái con quỷ cái hay bắt hắn bóp chân mà lại kêu bóp lên
trên, trên nữa, nó chỉ nghĩ đến sao cho thỏa nó chứ có yêu hắn đâu. Hồi
ấy hắn hai mươi. Hai mươi tuổi, người ta không là đá, nhưng cũng không
toàn là xác thịt. Người ta không thích cái gì người ta khinh. Vả lại bị
một con đàn bà gọi đến nhà mà bóp chân! Hắn thấy nhục hơn là thích,
huống hồi lại sợ. Quả thật, từ khi biết rằng con vợ chủ sai hắn làm một
việc không chính đáng, hắn vừa làm vừa run. Không làm thì không được:
mọi việc trong nhà, quyền đàn bà. Chứ hắn, hắn có lòng nào đâu! Ðến nỗi
người đàn bà phát cáu. Bà thấy xa xôi không được, phải làm đến nơi. Bà
bảo hắn rằng: “Mày thực thà quá! Con trai gì hai mươi tuổi mà đã như ông
già”. Hắn vẫn giả vờ không hiểu. Bà lẳng lơ bảo: “Chả nhẽ tao gọi mày
vào chỉ để bóp chân thế này thôi ư?...” và thấy hắn dùng dằng, bà mắng
xơi xơi vào mặt. Hắn chỉ thấy nhục chứ yêu đương gì. Không, hắn chưa
được một người đàn bà nào yêu cả. Vì thế mà bát cháo hành của thị Nở làm
hắn suy nghĩ nhiều. Hắn có thể tìm bạn được, sao lại chỉ gây kẻ thù?
Bát
cháo húp xong rồi, thị Nở đỡ lấy bát cháo và múc thêm bát nữa. Hắn thấy
mình vã bao nhiêu mồ hôi. Mồ hôi chảy ra trên đầu, trên mặt, những giọt
to như giọt nước. Hắn đưa tay áo quệt ngang một cái, quệt mũi cười rồi
lại ăn. Hắn càng ăn, mồ hôi lại càng nhiều. Thị Nở nhìn hắn, lắc đầu
thương hại. Hắn thấy lòng thành trẻ con. Hắn muốn làm nũng với thị như
với mẹ. Ôi sao mà hắn hiền, ai dám bảo đó là thằng Chí Phèo vẫn đập đầu,
rạch mặt mà đâm chém người? Ðó là cái bản tính của hắn, ngày thường bị
lấp đi. Hay trận ốm thay đổi hẳn về sinh lý, cũng thay đổi cả tâm lý
nữa? Những người yếu đuối vẫn hay hiền lành. Muốn ác, phải là kẻ mạnh.
Hắn đâu còn mạnh nữa. Và có lúc hắn ngẫm mình mà lo. Xưa nay hắn chỉ
sống bằng giật cướp và dọa nạt. Nếu không còn sức mà giật cướp, dọa nạt
nữa thì sao? Ðã đành, hắn chỉ mạnh vì liều. Nhưng hắn mơ hồ thấy rằng sẽ
có một lúc mà người ta không thể liều lĩnh được nữa. Bấy giờ mới nguy!
Trời ơi! Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao!
Thị Nở sẽ mở đường cho hắn. Thị có thể sống yên ổn với hắn thì sao người
khác lại không thể được. Họ sẽ nhận lại hắn vào cái xã hội bằng phẳng,
thân thiện của những người lương thiện... Hắn băn khoăn nhìn thị Nở, như
thăm dò. Thị vẫn im lặng, cười tin cẩn, hắn thấy tự nhiên nhẹ người.
Hắn bảo thị:
- Giá cứ thế này mãi thì thích nhỉ?
Thị
không đáp, nhưng cái mũi đỏ của thị như càng bạnh ra. Hắn thấy thế cũng
không có gì là xấu. Bằng một cái giọng nói và một vẻ mặt rất phong tình
theo ý hắn, hắn bảo thị:
- Hay mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui.
Thị
lườm hắn. Một người thật xấu khi yêu cũng lườm. Hắn thích chí khanh
khách cười. Lúc tỉnh táo, hắn cười nghe thật hiền. Thị Nở lấy làm bằng
lòng lắm. Bấy giờ mấy bát cháo ý chừng đã ngấm. Hắn thấy lòng rất vui.
Hắn bẹo thị Nở một cái làm thị nẩy hẳn người lên. Và hắn cười, hắn lại
bảo:
- Ðằng ấy còn nhớ gì hôm qua không?
Thị
phát khẽ hắn một cái, làm vẻ không ưa đùa. Sao mà e lệ thế. Xấu mà e lệ
thì cũng đáng yêu. Hắn cười ngất, và muốn làm thị thẹn thùng hơn nữa,
hắn véo thị một cái thật đau vào đùi. Lần này thì không những thị nẩy
người. Thị kêu lên choe choé. Thị nắm cổ hắn mà giúi xuống. Chúng tỏ
tình với nhau, không cần đến những cái hôn. Ai lại hôn, khi có những cái
môi nứt nẻ như bờ ruộng vào kỳ đại hạn và cái mặt rạch ngang dọc như
mặt thớt. Vả lại, có những cách âu yếm bình dân hơn, chúng cấu véo hoặc
phát nhau... thiết thực biết mấy...
Chúng
sẽ làm thành một cặp rất xứng đôi. Chúng cũng nhận thấy thế, và nhất
định là lấy nhau. Như thế năm ngày chẵn, thị ở nhà hắn cả ngày lẫn đêm,
trừ những lúc đi kiếm tiền. Hắn không còn kinh rượu nhưng cố uống cho
thật ít. Ðể cho khỏi tốn tiền, nhưng nhất là để tỉnh táo để yêu nhau.
Ðàn bà không men như rượu nhưng cũng làm người say. Và hắn say thị lắm.
Nhưng thị lại là người dở hơi. Ðến hôm thứ sáu thì thị bỗng nhớ rằng thị
có một người cô ở đời. Người cô ấy nội ngày nay sẽ về. Thị nghĩ bụng:
hãy đừng yêu để hỏi cô thị đã.
Thấy
thị hỏi, bà già kia bật cười. Bà tưởng cháu bà nói đùa. Nhưng chợt nhớ
rằng cháu bà vốn dở hơi. Bà bỗng trở nên hoảng hốt. Bà nhục cho ông cha
nhà bà. Cũng có lẽ bà tủi thân bà. Bà nghĩ đến cái đời dằng dặc của bà,
không có chồng. Bà thấy chua xót lắm. Bà uất ức, uất ức với ai không
biết. Nhưng rồi đổ cái uất ức ngay lên cháu bà! Người đàn bà đức hạnh ấy
thấy cháu bà sao mà đĩ thế! Thật đốn mạt. Ngoài ba mươi tuổi, mà chưa
trót đời. Ngoài ba mươi... ai lại còn đi lấy chồng. Ai đời lại còn đi
lấy chồng! Ừ! Mà có lấy thì lấy ai chứ?... Ðàn ông chết hết cả rồi sao,
mà lại đâm đầu đi lấy một thằng không cha. Ai lại đi lấy thằng chỉ có
một nghề là đi rạch mặt ra ăn vạ. Trời ơi! Nhục nhã ơi là nhục nhã! Hỡi
ông cha nhà bà! Bà gào lên như con mẹ dại. Bà xỉa xói vào mặt cái con
cháu ba mươi tuổi mà chưa trót đời. Bà bảo phắt nó:
- Ðã nhịn được đến bằng này tuổi thì nhịn hẳn; ai lại đi lấy thằng Chí Phèo!
Thị
nghe thấy thế mà lộn ruột. Nhưng thị biết cãi bà làm sao? Con người ấy
có quyền nói thế, bởi con người ấy năm mươi tuổi rồi còn ai lấy chồng.
Thị biết cãi làm sao. Mà không cãi được thì giận dữ nổi lên đùng đùng.
Thị tức lắm! Thị tức lắm! Thị cần đổ cái tức ấy lên một người. Thị lon
ton chạy sang nhà nhân ngãi. Thị thấy hắn đang uống rượu, và vừa uống
vừa lầm bầm chửi thị về nhà lâu. Hắn không quen đợi; bởi phải đợi, hắn
lại lôi rượu mà uống cho đỡ buồn. Uống vào thì phải chửi, quen mồm rồi!
Nhưng thị làm gì mà hắn chửi? Mà hắn có quyền gì chửi thị? Ồ, thị điên
lên mất! Thị dẫm chân xuống đất, rồi lại nhảy cẫng lên như thượng đồng.
Hắn thú vị quá, lắc lư cái đầu cười. Lại còn cười! Nó nhạo thị, trời ơi!
Thị điên lên mất, trời ơi là trời! Thị chống hai tay vào háng, vênh
vênh cái mặt, và tớn cái môi vĩ đại lên, trút vào mặt hắn tất cả những
lời bà cô. Hắn nghĩ ngợi một tí rồi hình như hiểu. Hắn bỗng nhiên ngẩn
người. Thoáng một cái, hắn lại như hít hít thấy cái hơi cháo hành. Hắn
cứ ngồi ngẩn mặt không nói gì. Thị trút giận xong rồi. Cái mũi đỏ dị
xuống rồi lại bạnh ra. Thị hả hê lắm lắm. Thị ngoay ngoáy cái mông đít
ra về. Hắn sửng sốt đứng lên gọi lại. Ai mà thèm lại! Còn muốn lôi thôi
cái gì? Hắn đuổi theo thị, nắm lấy tay thị. Thị gạt ra, lại giúi thêm
cho một cái. Hắn lăn khèo xuống sân. Ðã lăn ra thì hắn phải kêu: bao giờ
chả thế. Hắn nhặt một hòn gạch toan đập đầu. Nhưng hình như hắn chưa
thật say. Vì hắn nghĩ đập đầu ở đây chỉ thiệt; đập đầu ở đây để mà ăn vạ
ai? Hắn phải tự đến cái nhà con đĩ Nở kia. Ðến để đâm chết cả nhà nó,
đâm chết cái con khọm già nhà nó. Nếu không đâm được, lúc ấy hãy đập đầu
kêu làng. Muốn đập đầu, phải uống thật say. Không có rượu, lấy gì làm
cho máu nó chảy? Phải uống thêm chai nữa. Và hắn uống. Nhưng tức quá,
càng uống càng tỉnh ra. Tỉnh ra, chao ơi, buồn! Hơi rượu không sặc sụa.
Hắn cứ thoang thoảng thấy hơi cháo hành. Hắn ôm mặt khóc rưng rức. Rồi
lại uống. Hắn ra đi với một con dao ở thắt lưng. Hắn lảm nhảm: “Tao phải
đâm chết nó!”. Nhưng hắn lại cứ thẳng đường mà đi. Cái gì đã làm hắn
quên rẽ vào nhà thị Nở? Những thằng điên và những thằng say rượu không
bao giờ làm những cái mà lúc ra đi chúng định làm.
Trời
nắng lắm, nên đường vắng. Hắn cứ đi, cứ chửi, cứ dọa giết “nó”, và cứ
đi. Bây giờ đến ngõ nhà cụ Bá. Hắn xông xông đi vào. Cả nhà đi làm đồng
vắng, chỉ có mình cụ Bá đang nằm nghỉ trưa. Nghe tiếng hắn, cụ thấy sao
bực mình quá! Chính thật thì cụ cũng đang bực mình. Bởi vì cụ thấy đầu
hơi nhức. Cụ đang muốn có một bàn tay man mát xoa cái đầu. Cũng có lẽ,
cụ chỉ muốn bà Tư đừng đi lâu quá thế. Đi lâu thế, không biết rằng đi
đâu? Sao bà ấy còn trẻ quá! Gần bốn mươi rồi mà trông còn phây phây. Còn
phây phây quá đi nữa! Cụ năm nay đã ngoài sáu mươi. Già yếu quá, nghĩ
mà chua xót. Già thế thì bà ấy chỉ cũng già đi cho xong. Bà ấy lại cứ
trẻ, cứ phây phây, cứ đẹp như mới ngoài hai mươi tuổi, mà sao đa tình.
Nhìn thì thích nhưng tưng tức lạ. Khác gì nhai miếng thịt bò lựt sựt khi
rụng gần hết răng. Mắt bà, miệng bà có duyên, nhưng trông đĩ lắm. Hơi
một tí là cười toe toét, tít cả mắt lại, cái má thì hây hây. Mà thấy
ghét những thằng trai trẻ, giá làm con bà không đáng, mà thấy đâu cũng
đùa. Chúng đùa nhạt như nước ốc, chỉ được cái thô tục, mà gặp ai đâu
cũng cười! Chẳng nghĩ đến địa vị cả, người đâu mà vô tâm! Tức lạ! Cụ chỉ
muốn cho tất cả những thằng trai trẻ đi tù... Những lúc như thế, thì
một người dẫu khôn ngoan cũng không bình tĩnh được. Nhất là khi trông
thấy một thằng chỉ đến vòi tiền uống rượu như Chí Phèo. Tuy vậy, cụ cũng
móc sẵn năm hào. Thà móc sẵn để tống nó đi cho chóng. Nhưng móc rồi, cụ
cũng phải quát một câu cho nhẹ người:
- Chí Phèo đấy hở ? Lè bè vừa thôi chứ, tôi không phải là cái kho.
Rồi ném bẹt năm hào xuống đất, cụ bảo hắn:
- Cầm lấy mà cút đi cho rảnh. Rồi làm mà ăn chứ cứ báo người ta mãi à?
Hắn trợn mắt chỉ tay vào mặt cụ:
- Tao không đến đây xin năm hào.
Thấy hắn toan làm dữ cụ đành dịu giọng:
- Thôi, cầm lấy vậy, tôi không còn hơn.
Hắn vênh cái mặt lên, rất kiêu ngạo:
- Tao đã bảo là tao không đòi tiền.
- Giỏi! Hôm nay mới thấy anh không đòi tiền. Thế anh cần gì?
Hắn dõng dạc:
- Tao muốn làm người lương thiện!
Bá Kiến cười ha hả:
- Ồ tưởng gì! Tôi chỉ cần anh lương thiện cho thiên hạ nhờ.
Hắn lắc đầu:
-
Không được! Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết
mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện nữa. Biết
không? Chỉ có một cách... biết không! Chỉ có một cách là... cái này biết
không?
Hắn
rút dao ra xông vào. Bá Kiến ngồi nhỏm dậy, Chí Phèo đã văng dao tới
rồi. Bá Kiến chỉ kịp kêu một tiếng. Chí Phèo vừa chém túi bụi vừa kêu
làng thật to. Hắn kêu làng, không bao giờ người ta vội đến. Bởi thế khi
người ta đến thì hắn cũng đang giẫy đành đạch ở giữa bao nhiêu là máu
tươi. Mắt hắn trợn ngược. Mồm hắn ngáp ngáp, muốn nói, nhưng không ra
tiếng. Ở cổ hắn, thỉnh thoảng máu vẫn còn ứ ra.
Cả
làng Vũ Ðại nhao lên. Họ bàn tán rất nhiều về vụ án không ngờ ấy. Có
nhiều kẻ mừng thầm. Không thiếu kẻ mừng ra mặt. Có người nói xa xôi:
“Trời có mắt đấy, anh em ạ!”. Người khác thì nói toạc ra: “Thằng nào chứ
hai thằng ấy chết thì không ai tiếc! Rõ thật bọn chúng nó giết nhau,
nào có phải cần đến tay người khác đâu”. Mừng nhất là bọn hào lý ở trong
làng. Họ tuôn đến hỏi thăm, nhưng chính là để nhìn lý Cường bằng những
con mắt thỏa mãn và khiêu khích. Ðội Tảo, không cần kín đáo, nói toang
toang ngay ngoài chợ, trước mặt bao người: “Thằng bố chết, thằng con lớp
này không khỏi người ta cho ăn bùn”. Ai chả hiểu “người ta” đó là chính
ông. Bọn đàn em thì bàn nhỏ: “Thằng mọt già ấy chết, anh mình nên ăn
mừng”. Những người biết điều thì hay ngờ vực, họ chép miệng nói: “Tre
già măng mọc, thằng ấy chết, còn thằng khác, chúng mình cũng chẳng lợi
tí gì đâu...”.
Bà cô thị Nở chỉ vào tận mặt cháu mà đay nghiến:
- Phúc đời nhà mày, con nhé. Chả ôm lấy ông Chí Phèo.
Thị cười và nói lảng:
- Hôm qua làm biên bản, lý Cường nghe đâu tốn gần một trăm. Thiệt người lại tốn của.
Nhưng thị lại nghĩ thầm:
- Sao có lúc nó hiền như đất.
Và nhớ lại những lúc ăn nằm với hắn, thị nhìn trộm bà cô, rồi nhìn nhanh xuống bụng:
- Nói dại, nếu mình chửa, bây giờ hắn chết rồi, thì làm ăn thế nào?
Ðột nhiên thị thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa và vắng người qua lại...
No comments:
Post a Comment